Bất chấp đại dịch Covid cũng như tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn chung nhưng giá bất động sản vẫn không ngừng tăng. Đi ngược lại với quy luật tự nhiên, vậy để giá BĐS giảm xuống buộc phải làm theo cách “bắt đúng mạch, chữa đúng bệnh”.

BĐS 2020

BĐS 2020

Tại buổi tọa đàm về tình hình bất động sản hiện tại, các chuyên gia đã trao đổi, “mổ xẻ” để tìm những nguyên nhân khiến giá BĐS tăng trong thời gian qua bất chấp tình hình khó khăn của nền kinh tế và tình hình dịch bệnh phức tạp. Nếu cứ đà tăng này sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu cho thị trường BĐS.

Đại diện DKRA – Ông Nguyễn Hoàng chia sẻ: Lý do giá bất động sản tăng đơn giản là do nguồn cung giảm sâu trong thời gian qua. Tháng 11/2020 tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ chỉ đạt 11.000 căn, trong khi trước đó giai đoạn 2016-2018 nguồn cung nơi đây đạt mức 50.000 căn. 

Ngoài ra, thông tin thành lập thành phố Thủ Đức đã đẩy giá BĐS tăng do hạ tầng, chính sách được hoàn thiện và đồng bộ. Bên cạnh đó, một lượng lớn nhà đầu tư F0 có tài chính đang sẵn sàng và tìm BĐS phù hợp để xuống tiền.

Theo ông Hoàng, cách để giữ giá BĐS không tăng đó là việc cân bằng cung với cầu. Cung thiếu thì buộc phải đẩy mạnh tăng nguồn cung, mà để làm được thì cần có sự phối hợp từ các bộ ban ngành đến các doanh nghiệp chứ không phải nhiệm vụ của riêng ai.

Đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam – Ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ: Nguyên nhân khiến cho giá BĐS tăng chính là do thiếu nguồn cung. Thiếu là do dự án đang chờ chưa được phê duyệt chứ không phải do cạn kiệt nguồn cung. Tại TP.HCM, nếu dự án được phê duyệt thì nguồn cung lớn sẽ được tung ra thị trường. Do đó, nếu cung và cầu cùng tăng lên thì giá BĐS sẽ được điều chỉnh.

Ngoài ra, khung tính thuế đều được các địa phương họp bàn tăng thuế thì thử hỏi giá BĐS làm sao có thể giảm được. Do đó, để giá BĐS giảm xuống cần phải có sự phối hợp nhiều yếu tố và cùng điều chỉnh các nguyên nhân khiến cho giá BĐS tăng.

Bên cạnh đó, lực cầu tăng hiện nay không phải là thực mà có một phần ảo, đó là những nhu cầu muốn đổ tiền sang BĐS để an toàn và chờ cơ hội tăng giá trong khi trước đây họ chưa từng đầu tư BĐS. Do đó, BĐS phục vụ nhu cầu ảo đương nhiên giá sẽ ảo.

Giải pháp ông Đính đưa ra đó là rút ngắn quy trình thủ tục đầu tư dự án. Việc thủ tục đai mất thời gian khiến cho chi phí tăng cao, dự án ban đầu đưa ra đánh giá dự kiến bán 20tr/m2. sau khi hoàn thiện thủ tục kéo dài 5 năm khiến chi phí tăng, giá chắc chắn phải tăng chứ không thể bán với giá 20tr/m2 được nữa. Cùng với đó, ngân hàng cần giảm lãi suất, có thêm chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay đầu tư BĐS.

Theo anh Quân – Chuyên gia BĐS nhà ở chia sẻ: Nếu như cách đây 5-6 năm, chung cư giá rẻ là điểm sáng duy nhất trên thị trường BĐS thì đến nay phân khúc này đã vắng bóng. Việc cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, chi phí đầu vào của một dự án đều tăng phi mã cùng việc nguồn cung hạn chế khiến cho giá BĐS tăng là đương nhiên, nó phản ánh đúng quy luật của thị trường.

Nhưng trong bối cảnh mới này, nhu cầu mua nhà của người dân cũng đã thay đổi, việc sở hữu căn hộ trung-cao cấp hiện nay đã khá bình thường chứ không còn “thiểu số” như trước kia. Điều đó cũng phản ánh lượng khách hàng có tiền thật ra không hề thiếu.

Để giá BĐS được bình ổn, mọi thủ tục cần được cắt giảm, không chồng chéo phức tạp, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, cho dự án khi đã đủ mọi yếu tố cần có.