Nhiều dự án chung cư Hà Nội suốt hai tháng nay nằm “bất động” mặc dù chủ đầu tư đã tăng thưởng nóng để hút môi giới, tăng khuyến mại để hút khách hàng… song dự án vẫn “nằm đâu, nằm đó”.

Thị trường chung cư Hà Nội gặp khó khăn

Thị trường chung cư Hà Nội gặp khó khăn

Đại diện bán hàng một dự án chung cư tại quận Thanh Xuân cho biết từ đầu năm đến nay dự án mới chỉ bán được 8 căn hộ trong khi vào thời điểm cuối năm ngoái có tháng dự án bán được 50 căn. Một dự án cùng khu vực có tổng số 400 căn hộ nhưng đến nay mới chỉ bán được 30 căn mặc dù thời gian mở bán là từ cuối năm 2017 vừa qua.
>>> Danh sách dự án chung cư chuẩn bị bàn giao tại quận Thanh Xuân

Lãnh đạo một số dự án chung cư tại Hà Nội cho hay: Thời điểm đầu năm, thanh khoản dự án thấp là do tính chu kì của thị trường, nhưng với diễn biến 2 trong khoảng 2 tháng nay thì tình trạng càng tồi tệ hơn khiến cho chủ đầu tư phải nghĩ ra mọi cách để tăng thanh khoản.

Một nhân viên môi giới từ một sàn BĐS cho biết: Từ đầu năm 2018, thị trường trầm lắng khiến cho anh phải kiếm thêm từ việc môi giới đất thổ cư, thậm chí còn tham gia tư vấn cả đất nền ở các khu sắp lên đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong… Anh cho biết thêm rằng trước Tết có trung bình mỗi tháng bán được 1-2 căn thì nay cả mấy tháng không bán được căn nào, có bán được thì các sàn cũng sẽ nợ tiền hoa hồng do chủ đầu tư chưa thanh toán cho sàn nên sàn chưa thể thanh toán cho nhân viên sale.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS uy tín tại Hà Nội cho biết: Phân khúc chung cư Hà Nội đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 2 năm trở lại đây khiến cho cả chủ đầu tư lẫn sàn giao dịch gặp khó khăn, nhân viên môi giới được đẩy đi nhiều địa bàn chứ không chỉ tập trung riêng tại thị trường Hà Nội. Đơn vị đã đặt cọc phân phối một số dự án nhưng do thị trường tiêu thụ chậm nên chưa thể rút khoản tiền đặt cọc này ra.

Nhiều chủ đầu tư muốn tăng thanh khoản của dự án đã chọn phương án tăng hoa hồng cho đơn vị phân phối cùng các mức thưởng nóng hấp dẫn. Mức hoa hồng sàn nhận về khoảng từ 3.5-4%, tăng 0.5-1% so với thời điểm trước kia. Có chủ đầu tư còn chi hẳn 3% về tay môi giới, chưa kể thưởng nóng 10-20 triệu đồng cho mỗi giao dịch.

Đại diện sàn Phú Quý khẳng định: Mức hoa hồng chi ra như vậy quả thật là rất hấp dẫn đối với môi giới, đặc biệt là đối với căn hộ có giá bán khoảng 1 tỷ đồng. 

Cùng với việc thu hút môi giới thì các chủ đầu tư cũng chủ động đưa ra các chính sách bán hàng linh hoạt như khách hàng chỉ phải thanh toán 30-50% giá trị căn hộ là đã có thể nhận nhà, phần vay ngân hàng được hỗ trợ lãi suất 0% trong thời gian 2 năm… ngoài ra còn các chương trình chiết khấu, tặng quà, tặng phí dịch vụ…

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Lê Quân – Đại diện Sàn giao dịch BĐS Minh Đại Lộc cho hay: Mặc dù các chính sách đưa ra rất hấp dẫn nhưng tại một số dự án chung cư Hà Nội vẫn không thể cải thiện được tình hình do thị trường có nhiều thông tin xấu, hạ tầng khu vực dự án rất kém, đội ngũ bán hàng chưa chuyên nghiệp… Trong khi chi phí bán hàng và nuôi quân rất lớn nên các sàn buộc phải tìm những dự án có thanh khoản tốt để “đánh”.

Ông cho biết thêm: Đối với một chủ đầu tư chuyên nghiệp thì một dự án ra hàng thường bán hết 85-90% trong khoảng 6 tháng, còn đối với chủ đầu tư chưa có nghề thì phải bán trong vòng 2-3 năm, nếu chủ đầu tư biết tính toán thì vẫn có lãi nhưng với điều kiện chỉ vay ngân hàng khoảng 30%. Tuy nhiên, các chủ đầu tư hiện nay dùng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ lớn nếu tình trạng bán hàng kéo dài sẽ khiến cho lợi nhuận bị ăn mòn.

Thông thường, nếu dự án bán chậm 1 năm so với dự kiến thì doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm từ 1.2-1.5 triệu đồng/m2, do đó các chủ đầu tư buộc phải tính toán kỹ, kể cả khi phải đối mặt với trường hợp xấu nhất thì vẫn phải đảm bảo dòng tiền để triển khai dự án.