Các chủ đầu tư lớn như Hải Phát, Nam Cường, MBLand… đều có dự án thế chấp ngân hàng mà Văn phòng đăng kí nhà đất UBND TP Hà Nội vừa công bố.

Nhiều dự án BĐS đang thế chấp ở ngân hàng

Nhiều dự án BĐS đang thế chấp ở ngân hàng

Theo thông báo của Văn phòng đăng kí nhà đất UBND TP Hà Nội, đến ngày 23/08/208 có đến 92 dự án BĐS đang thế chấp tại ngân hàng. Đặc biệt, hàng loạt các ông lớn như Hải Phát, Nam Cường, Thủ Đô Invest, Văn Phú Invest, Cty TNHH Gamuda Land Việt Nam…

Đáng chú ý, nhiều đơn vị không chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà còn thế chấp cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.

Cụ thể các tên tuổi lớn như: Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường thế chấp bằng quyền sử dụng đất các thửa đất số 92, 78, 64, 186, 156, 192, 200, 177, 198, 206, 222, 227, 229, 234, 244, 242, 217, 174, 138, 120, 246, 245, 150, 54, 71, 254, 164 thửa Khu đô thị mới Dương Nội (khu A) phường Dương Nội, quận Hà Đông. Tập đoàn này cũng thế chấp quyền sử dụng đất thửa 01,02,03 và 04 phường yên Nghĩa, phường Dương Nội (Hà Đông)….

Tiếp đến là Công ty CP Đầu tư Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất (đất xây dựng nhà ở thấp tầng: Thửa BT+LK1+LK2+LK3) và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (gồm 59 căn nhà ở thấp tầng), thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai gồm 59 căn nhà ở thấp tầng tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm).

Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là 1.244 căn hộ tại Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng để bán tại thửa đất từ khi 1 đến 14, Lô đất NO23 nằm dọc trục đường 5 kéo dài, phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam cũng đang thế chấp quyền sử dụng đất TT14 đến TT20, TT23, TT26, TT41, TT42, CC4, CC6 dự án KDDTM C2 phường Yên Sở và Trần Phú, quận Hoàng Mai.

Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại khu đất có ký hiệu TTDV-01, Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Công ty CP Địa ốc MB thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tải sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại lô 1.A.IV thuộc quỹ đất xây dựng công trình công cộng hỗn hợp Khu đô thị mới Mỹ Đình 1, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm.

Công ty CP và thương mại Thủ Đô thế chấp dự án xây dựng khu nhà ở CT1 Phúc Lợi (Ecohome Phúc Lợi), quận Long Biên. Tài sản thế chấp tại dự án này đến ngày 7/7/2018 còn lại 87/680 căn hộ.

Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình cũng được doanh nghiệp này thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu nhà ở thấp tầng thuộc dự án tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora 53 Triều Khúc (quận Thanh Xuân). Hiện tại, nhà liền kề dự án này đã bàn giao cho người dân vào ở, kinh doanh.

Công ty CP Công Đà 1.01 và Công ty CP Ecoland còn thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là Dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại Eco Lakeview, số 32 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội (không bao gồm phần tài sản là 8.609m2 sàn và các lợi ích khác của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam).

Ngoài ra, một số dự án đang được chú ý như Dự án tổ hợp công trình văn phòng làm việc, dịch vụ và căn hộ để bán tại ngõ 167 Thụy Khê (tức 162 Hoàng Hoa Thám) quận Tây Hồ cũng đã bị Chủ đầu tư là Công ty CP Quan hệ Quốc tế – Đầu tư sản xuất thế chấp quyền sẻ dụng đất để xây dựng nhà chung cư cao 14 tầng nổi; Chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh do Công ty CP Vận tải và dịch vụ thương mại Hà Nội là chủ đầu tư; dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại và nhà ở chung cư Tecco do Công ty CP Tập đoàn Tecco làm chủ đầu tư; dự án The Garden Hill tại số 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư…

Rủi ro thuộc về ai?

Theo chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Nguyễn Hiếu, ông cho rằng: Việc sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách thế chấp tài sản là việc làm hết sức bình thường trong kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng phổ biến của các dự án trên là vừa dùng vốn vay ngân hàng, vừa dùng tiền của người mua nhà. Việc này vô tình sẽ đẩy rủi ro về phía người mua nhà và ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi cho vay theo cách thức này.

Vấn đề ở đây đó là việc chủ đầu tư dùng tiền của dự án này để đầu tư sang dự án khác, đến cuối cùng không hiếm trường hợp cả 3 bên đều mất tiền. Người dân mất số tiền mình bỏ ra mua nhà, ngân hàng mất số tiền mình đã cho vay và doanh nghiệp thua lỗ vì đầu tư dàn trải.

Do đó, để đảm bảo an toàn khi mua nhà, người mua cần xem kỹ hợp đồng mua bán , nắm rõ các điều khoản, nhất là quy định về thời gian bàn giao căn hộ, thời gian bàn giao sổ hồng và nếu không đúng tiến độ đó thì sẽ như thế nào…

Người mua cũng nên chủ động hỏi trực tiếp chủ đầu tư xem dự án có thế chấp ngân hàng hay không, thời gian trong bao lâu và có giải chấp được không. Nếu khách hàng thấy tin tưởng và chấp nhận được những vấn đề đó, rồi lựa chọn thì cũng chưa muộn.

>>> Giá nhà đất Gia Lâm đang tăng chóng mặt