Mua nhà trả góp là lựa chọn của nhiều gia đình trẻ hiện nay, giúp giảm áp lực tài chính. Nhưng những rủi ro luôn tiềm ẩn mà nhiều khách hàng chưa có kinh nghiệm sẽ khó lường trước được vấn đề.

Rủi ro gặp phải khi mua chung cư trả góp

Rủi ro gặp phải khi mua chung cư trả góp

1. Rủi ro lãi suất

Đây là rủi ro lớn nhất mà khách hàng dễ gặp phải khi mua nhà trả góp, đặc biệt là những khách chưa có nhiều kinh nghiệm mua nhà hoặc chưa tìm hiểu kỹ về khoản vay ngân hàng mà đã quyết định mua.

Tâm lý ai đi vay ngân hàng cũng mong muốn lãi suất thấp, tuy nhiên lãi suất thấp chưa hẳn đã tốt. Khách hàng cần tìm hiểu phía sau đó là những gì: Đơn cử như sau ưu đãi, lãi suất là bao nhiêu, biên độ thế nào, phí phạt trả nợ trước hạn có cao không. Ngay cả thời gian hỗ trợ lãi suất 0% thì khách hàng cũng cần phải biết mức lãi suất sau đó là bao nhiêu. 

Nhiều ngân hàng tập trung truyền thông mức lãi suất thấp đánh vào tâm lý của khách hàng, do không tìm hiểu kỹ, ham rẻ nên quyết định vay, quyết định mua nhà sớm. Sau thời gian 6-8 tháng hết ưu đãi, không kham nổi việc trả lãi nên đành bán tháo ăn hộ, bán cắt lỗ căn hộ…

Việc lựa chọn gói vay cũng là việc làm vô cùng quan trọng khi mua nhà trả góp. Nếu chọn gói vay quá dài sẽ dẫn đến tổng số lãi trả cuối kỳ quá cao, chọn gói vay ngắn hạn sẽ tạo ra áp lực trả lãi hàng tháng rất lớn, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống gia đình. Do đó, chọn gói vay phù hợp bên cạnh yếu tố lãi suất là việc làm vô cùng quan trọng khi mua nhà trả góp.

2. Rủi ro tài chính

Rủi ro tài chính xuất hiện do khách hàng xác định khoản vay chưa hợp lý hoặc không đọc kỹ hợp đồng tín dụng khi ký kết với ngân hàng. Việc vay vốn bao nhiêu tùy thuộc vào nguồn vốn hiện có của mỗi người, giá trị căn nhà đó và số tiền có thể chi trả hàng tháng cho ngân hàng. Nếu tài chính hạn hẹp mà cố vay khoản lớn sẽ dễ dẫn đến mất thanh khoản, rơi vào bẫy tài chính do mình đặt ra.

Nhiều chuyên gia tài chính chia sẻ rằng số tiền trả lãi gốc hàng tháng chỉ nên trả tối đa 50%/tổng thu nhập hàng tháng và số tiền vay không nên vượt quá 50% giá trị căn hộ. Nếu vượt qua con số 50% này, bạn cần có sẵn các phương án dự trù trong tương lai một cách cụ thể.

Không đọc kỹ hợp đồng tín dụng cũng khiến cho người mua gặp rắc rối khi tất toán trước hạn. Số tiền trả nợ trước hạn sẽ được tính bằng phí phạt trả nợ trước hạn nhân với số tiền trả nợ trước hạn. Nhiều ngân hàng chào cho vay với lãi suất rất thấp nhưng phí phạt trả nợ trước hạn sẽ rất cao, việc trả nợ trước hạn càng sớm thì phí phạt trả nợ càng cao.

3. Rủi ro pháp lý

Sau khi đã tính toán kỹ về phương án tài chính thì khách hàng vẫn có thể gặp một số rủi ro khác, đặc biệt là rủi ro về pháp lý dự án như:

– Người mua nhà đã đặt cọc, nộp tiền mua theo đúng tiến độ, nhưng sau đó, dự án bị treo. Lý do có thể là chủ đầu tư không thể gom đủ số tiền huy động vốn, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự… nên không thể tiếp tục thực hiện dự án. Để tránh rơi vào tình trạng này, người mua cần tìm hiểu kỹ về dự án và chủ đầu tư (tên tuổi, uy tín, kinh nghiệm…), đặc biệt không chủ quan mua nhà theo tâm lý đám đông để rồi hối không kịp.

– Người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ trả tiền nhưng chưa nhận đủ giấy tờ nhà. Điều này sẽ gây khó khăn cho những người mới mua nhà xong nhưng cần tiền nên muốn bán gấp. Khi đó, việc giao dịch sẽ gặp bất lợi vì chẳng ai đủ tin tưởng và muốn mua một căn hộ chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý.

– Người mua thiếu kinh nghiệm, kiến thức pháp luật trong khi hợp đồng mua bán căn hộ tồn tại nhiều kẽ hở, không rõ ràng các điều khoản như diện tích sử dụng, tiện ích chung/riêng, tổng số tiền cần thanh toán đã bao gồm phí bảo trì hay chưa… Để hạn chế tối đa rủi ro này, người mua cần tìm hiểu những kiến thức pháp luật cần thiết liên quan việc mua nhà để có thể đọc, hiểu hợp đồng, hoặc nhờ đến các dịch vụ pháp lý, người có kinh nghiệm tư vấn thêm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.