Chọn mua căn hộ giá rẻ sau đó đầu tư vài trăm triệu đồng tiền nội thất, đến khi bán lại nhiều người đã phải ngậm ngùi cắt lỗ vài trăm triệu đồng. Nguyên đo nếu bán giá cao không ai ngó ngàng tới, còn bán giá thấp thì “tiếc đứt ruột” khoản tiền đã đầu tư.

Bán lỗ khi đầu tư nội thất vào căn hộ giá rẻ

Bán lỗ khi đầu tư nội thất vào căn hộ giá rẻ

Anh Tuấn – Chủ sở hữu căn hộ giá rẻ tại đường Lê Trọng Tấn cho biết: Gia đình tôi đang cần bán lại căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 65m2 do ở đây không tiện trường cho con cái đi học và xa chỗ làm của 2 vợ chồng. Thế nhưng, gần một tháng nay rao bán, nhờ cả sàn môi giới nhưng vẫn chưa bán được căn hộ. Nhiều khách hàng đến xem xong “một đi không trở lại”.

Trước đây, anh Tuấn mua căn hộ này có giá bán 1 tỷ đồng, do là căn hộ đầu tiên của 2 vợ chồng ra ở riêng nên anh chị rất tâm huyết. Do là người kỹ tính và cẩn thận nên anh không ưng ý với nội thất căn hộ có sẵn, anh đã quyết định bỏ ra 300 triệu đồng để đầu tư lại toàn bộ nội thất cho căn hộ như sàn gỗ, tủ bếp, màu sơn, thiết bị wc, nội thất các phòng… Mặc dù là căn hộ bình dân nhưng sau khi đầu tư nội thất vào, căn hộ nhà anh trông chẳng khác nào căn hộ cao cấp, ai đến cũng khen và chup ảnh xin về làm mẫu.

Thế nhưng, chính vì việc nâng cấp nội thất đã khiến cho căn hộ của anh rất khó bán. Nếu bán giá cao quá thì không ai hỏi, bán giá rẻ thì đành chấp nhận lỗ vài trăm triệu số tiền đã đầu tư.

Nhiều khách đến xem nhà và họ không chấp nhận trả khoản tiền đã đầu tư nội thất, khách còn so sánh căn hộ của tôi với căn hộ khác và nói rằng những căn hộ khác rẻ hơn căn hộ của tôi 3-400 triệu đồng. Giờ đây, tôi lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, bán không được, giảm giá cũng không xong.

Chị Bích cũng rơi vào cảnh như nhà anh Tuấn. Gia đình chị mua một căn hộ ở Hà Đông cách đây 2 năm, ở được hơn 1 năm thì chị Bích nảy ra ý tưởng mua căn hộ bên cạnh để đập thông cho rộng rãi hơn. Số tiền bỏ ra để thuê thợ phá bỏ bức tường, thuê thiết kế lại phòng khách, chi phí nội thất hòm hòm khoảng 400 triệu đồng.

Với ý định ban đầu là để an cư lâu dài, sau này về hưu hai vợ chồng về quê trồng rau nuôi gà, còn cái nhà này cho bọn trẻ, ở hay bán là việc của chúng nó. Thế nhưng, sau 2 năm sinh sống, những thứ bất cập bắt đầu phát sinh trong khâu quản lý vận hành của tòa nhà. Thang máy liên tục hỏng và lỗi gây khó khăn cho việc đi lại, nhà để xe bắt đầu chật chội, sáng đi làm mất nửa tiếng loay hoay dưới nhà xe, bể bơi ở tầng 5 thì hỏng nhưng không ai sửa chữa, giờ thành vũng nước tù cho muỗi sinh đẻ.

Cộng với tài chính anh chị tiết kiệm thêm được, cuối cùng anh chị quyết định bán căn hộ giá rẻ này đi để mua một căn hộ khác, mới hơn, chủ đầu tư uy tín hơn, vận hành chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, khi rao bán căn nhà, các vấn đề phát sinh tiếp tục xuất hiện.

Do căn hộ nhà anh chị tổng diện tích quá to nên giá thành khá cao, rất kén khách mặc dù anh chị đã bỏ chi phí đăng tin, hợp tác cả với các sàn môi giới ở khu vực và nhờ các môi giới lẻ bên ngoài. Khách đến xem ai cũng bảo diện tích rộng thành ra dư thừa, vượt quá khả năng tài chính… Chung cư cũng đã xuống cấp khiến cho khách đến xem cũng mất thiện cảm.

Cuối cùng, tìm được khách phù hợp, anh chị quyết định bán giá 2.5 tỷ thay vì ý định bán giá 3 tỷ trước kia. Tính ra, số tiền chị Bích lỗ lên tới gần 1 tỷ đồng.

Từ bài học của anh Tuấn và chị Bích, mọi người cần rút ra bài học kinh nghiệm rằng nền cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào nội thất cho căn hộ. Đặc biệt không nên đầu tư quá nhiều cho căn hộ nếu không có ý định ở lâu dài.