Mô hình nhà phố thương mại (Shophouse) được du nhập vào Việt Nam mấy năm gần đây và đã nhanh chóng trở thành phân khúc BĐS “Hot” nhất trên thị trường. Với chức năng 2 trong 1 vừa để ở (House) vừa có thể kinh doanh (Shop) nên tính thanh khoản của loại hình BĐS này rất cao, được nhiều nhà đầu tư săn đón. Tuy nhiên, việc kinh doanh shophouse không hề đơn giản, giữa đại dịch Covid 19, giới đầu tư shophouse càng thêm khó khăn.

Dãy nhà mặt phố tại một dự án ở Hà Nội

Dãy nhà mặt phố tại một dự án ở Hà Nội

Năm 2015, loại hình shophouse du nhập vào Việt nam và xuất hiện phổ biến ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… Vị trí của các dãy nhà phố thương mại thấp tầng hay khối đế chung cư thường ở những nơi đắc địa, đông người qua lại, mặt đường lớn tiện đỗ xe… vì thế shophouse được đánh giá là loại hình BĐS có khả năng sinh lời cao.

Thế nhưng, tình hình thực tế đang diễn ra không mấy khả quan do dịch bênh hoành hành, nhiều nhà đầu tư đang “đau đầu” với khối tài sản mà mình đang sở hữu.

Chị Lan – chủ sở hữu hai căn shophoue khối đế tại một dự án chung cư quận Hai Bà Trưng đang đứng ngồi không yên. Thời gian trước chị đã từng đầu tư shophouse để cho thuê rất hiệu quả, sau một thời gian bán sang tay cũng có lãi tốt. Nguyên do bởi căn shophouse chị sở hữu tầng 1 để cho thuê kinh doanh, tầng 2 có cầu thang riêng để cho thuê làm kho hay tiệm làm đẹp, lợi nhuận khai thác từ cho thuê đạt 8-12%, cao hơn và chắc chắn hơn so với lãi ngân hàng hay đầu tư vàng, chứng khoán.

Thế nhưng, 2 căn shophouse chị mới mua gần đây lại không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng. Căn shophouse của chị rất “phập phù” khách thuê do cư dân chung cư chưa về ở hết, người thuê thường trả mặt bằng trước hạn so với hợp đồng đã ký. Một năm gần đây, cư dân đã về ở nhộn nhịp nhưng lại dính ngay đại dịch Covid 19 khiến cho khách thuê trả lại nhà và chấp nhận mất cọc. Hai căn shophouse của chị đã để trống 2 tháng nay, dù giảm giá thuê nhưng vẫn không ai hỏi han. Nếu tính từ lúc mua đến nay thì chị đang phải chịu lỗ nếu so với tiền lãi gửi ngân hàng.

Anh Nguyên – Nhà đầu tư đang sở hữu một căn shophouse khu vực Trung Hòa cho biết: Thời gian trước, căn shophouse nhà tôi cho một quán cafe với thương hiệu nổi tiếng thuê, việc kinh doanh rất thuận lợi. Nhưng từ cuối năm 2019, thị trường bắt đầu khó khăn nên họ đã trả lại nhà, đến nay gần nửa năm rồi chưa cho thuê được mặc dù giá thuê đã giảm khá sâu kèm theo nhiều ưu đãi cho khách thuê ký hợp đồng từ 1 năm trở lên. So với tiền gửi ngân hàng thì viêc đầu tư của tôi đang lỗ nặng, không biết tình hình khó khăn bao giờ mới hết.

Theo khảo sát của Banchungcu.com.vn, rất nhiền nhà phố thương mại hiện nay đã đóng cửa khiến cho việc kinh doanh shophouse của các nhà đầu tư đang tụt dốc không phanh. Đặc biệt các loại hình kinh doanh như dịch vụ, ăn uống, du lịch, vé máy bay đều đã đóng cửa… mặc dù giá đã giảm nhưng vẫn không có người thuê.

Trên thực tế, trước đó, một khảo sát của Banchungcu.com.vn vào năm ngoái đã cho thấy giới đầu tư nhiều người đã vỡ mộng với shophouse khi nguồn cầu là cư dân sống trong chính dự án đó không quá lớn hay có những dự án shophouse không cạnh tranh nổi với hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, các cửa hàng mọc đầy rẫy xung quanh dự án đó. Do đó, lợi nhuận từ mô hình shophouse đều không như kì vọng. Trong bối cảnh đại dịch Covid, shophouse càng rơi vào tình thế khó khăn.

Trái ngược với tâm lý hoang mang thì anh Quân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng sau thời điểm khó khăn như này, loại hình shophouse vẫn sẽ tiếp tục là phân khúc BĐS mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nhà đầu tư. Ngoài ra, giá trị của shophouse còn tăng theo thời gian do giá BĐS ngày càng tăng. Những nhà đầu tư đang vay ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực trong thời điểm này, những nhà đầu tư dồi dào tiền mặt vẫn đang “săn lùng” shophouse bán cắt lỗ để tiếp tục mua vào.